backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Top 12 nguyên nhân gây đau xương chậu hàng đầu ở phụ nữ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

Top 12 nguyên nhân gây đau xương chậu hàng đầu ở phụ nữ

Có khá nhiều nguyên nhân đau xương chậu ở phụ nữ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Do đó, bạn đừng nên chủ quan mà hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin về tình trạng này.

Ngoài đau vùng xương chậu khi mang thai, đau xương chậu (đau dưới phần rốn bao gồm các cơ quan sinh dục) có thể phát triển từ nhiều bệnh và các nguyên nhân khác nhau vấn đề về tiêu hóa, tiết niệu, đau cơ – dây chằng ở hông hoặc sàn chậu…. Đối với hầu hết các trường hợp, tình trạng đau vùng xương chậu nên được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và điều trị đúng cách để không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi giới thiệu đến bạn 12 nguyên nhân đau xương vùng chậu mà phái nữ thường gặp:

1. Viêm ruột thừa

Tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ruột thừa thường gây đau dưới vùng bụng hoặc bụng dưới. Nhiều chị em chia sẻ, khi bị đau ruột thừa, họ cảm nhận rõ đau vùng xương chậu bên phải. Viêm ruột thừa còn kèm theo tình trạng buồn nôn, nôn mửa và sốt cũng như đau vùng xương vùng chậu. Khi xác định nguyên nhân gây đau là viêm ruột thừa, bạn có thể cần được phẫu thuật ngay để tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

2. Rụng trứng: Nguyên nhân đau xương chậu

Ở nhiều chị em, những cơn đau vùng chậu sẽ xuất hiện trong quá trình rụng trứng có thể như kéo dài khoảng vài giờ. Hiện tượng đau này xảy ra ngay trước và trong quá trình rụng trứng khi màng bao phủ buồng trứng đẩy trứng ra. Máu và dịch được phóng thích trong quá trình rụng trứng cũng có thể gây khó chịu hoặc đau đớn. Mỗi người sẽ có cảm giác đau vùng chậu khác nhau và vị trí đau có thể tùy thuộc vào việc buồng trứng bên nào đang phóng thích trứng, do đó có chị em sẽ nhận thấy bản thân đang bị đau xương chậu bên trái nữ.

3. Hội chứng ruột kích thích

Các triệu chứng đau xương chậu và vùng bụng, đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy xảy ra lặp đi lặp lại thường do hội chứng ruột kích thích (IBS). IBS là một loại bệnh mãn tính với các triệu chứng tái phát. Để điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống,học cách quản lý căng thẳng hiệu quả và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.

Việc điều trị IBS có thể bao gồm chế độ ăn uống và sử dụng thuốc men. Những thay đổi về chế độ ăn bao gồm việc loại bỏ thực phẩm. Ví dụ, loại bỏ các thực phẩm có chứa gluten và lactose khỏi thực đơn hằng ngày.

4. Đau hai bên xương chậu khi kinh nguyệt

kinh nguyệt gây đau xương chậu

Khi “chị nguyệt” ghé thăm, nhiều chị em sẽ phải chịu đựng các cơn đau bụng, đau lưng, tức ngực, đau vùng xương chậu… Tình trạng này có thể kéo dài từ 1 đến 7 ngày tùy thuộc vào độ dài chu kỳ của bạn. Để giảm cơn đau, hãy sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc các phương pháp tại nhà cũng như thay đổi lối sống (tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc).

5. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là do sự xuất hiện của các túi chứa chất lỏng có trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Hầu hết các u nang buồng trứng thường không có triệu chứng và sẽ biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể khiến bạn cảm thấy đau vùng xương chậu, buồn nôn, nôn mửa, đau đớn khi giao hợp, đau bụng.

6. Thai ngoài tử cung

Một nguyên nhân gây đau vùng xương chậu ở nữ giới mà chị em trong độ tuổi sinh sản cần chú ý là thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh và làm tổ bên ngoài tử cung. Thông thường, trứng được thụ tinh tại ống dẫn trứng và sẽ làm tổ trong bên trong buồng tử cung. Khoảng 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Các triệu chứng điển hình của thai ngoài tử cung bao gồm đau bụng, đau xương chậu, vô kinh, mất kinh và chảy máu âm đạo.

Thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Khi sử dụng thuốc, chị em phụ nữ cần phải tiêm một hoặc nhiều lần thuốc methotrexate. Phương pháp này sẽ chấm dứt quá trình phát triển của tế bào bào thai và gây ra sự phân hủy các tế bào hiện có. Ngoài ra, phẫu thuật cho thai ngoài tử cung được thực hiện bằng cách tạo ra một lỗ hở trong ống dẫn trứng và di tản các tế bào thai hoặc loại bỏ hoàn toàn phần ống dẫn trứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, thai ngoài tử cung có thể khiến một ống dẫn trứng bị vỡ và chảy máu, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai, thậm chí đe dọa tính mạng của chị em.

7. Viêm vùng chậu

Một nguyên nhân gây đau vùng xương chậu ở nữ giới phải kể đến là viêm vùng chậu. Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục nữ. Nó có thể lan ra từ âm đạo đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Bệnh thường do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như bệnh Chlamydia hoặc lậu. Viêm vùng chậu thường không có triệu chứng ban đầu ở phụ nữ. Yếu tố nguy cơ chính cho sự phát triển của PID là quan hệ tình dục không an toàn. Các triệu chứng có thể bao gồm đau xương chậu, chảy máu âm đạo, sốt, chảy máu kinh nguyệt bất thường, đau đớn, tiểu ra máu…

8. Bệnh túi thừa gây đau vùng xương chậu

Bệnh túi thừa là tình trạng viêm của một hoặc nhiều dây thần kinh phát triển trong ruột già hoặc đại tràng có hình dạng giống như chiếc túi. Bệnh có liên quan đến chế độ ăn ít chất xơ, béo phì và táo bón. Các triệu chứng của viêm túi thừa có thể bao gồm đau bụng dưới bên trái làm cho người bệnh có cảm giác bị đau xương chậu bên trái, buồn nôn, nôn mửa, sốt, tiêu chảy hoặc táo bón.

9. Tắc ruột

Tắc ruột xảy ra khi chất lỏng hoặc thực phẩm không thể đi qua ruột non hoặc ruột già. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn ruột là ung thư ruột kết. Các nguyên nhân khác bao gồm viêm túi thừa, viêm ruột, viêm đại tràng. Nếu mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau bụng, có thể đau xương chậu bên trái hay đau xương chậu bên phải, buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi…

10. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Một nguyên nhân khiến các chị em cảm thấy bị đau bụng dưới bên phải gần xương chậu là nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang), bàng quang và niệu đạo (ống dẫn từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Nhiễm trùng đường tiểu (UTI) liên quan đến tình trạng nhiễm trùng một số nơi trong hệ tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất của UTI là nhiễm vi khuẩn E. coli, thường gặp trong ruột. Phụ nữ có nguy cơ mắc UTI với tỷ lệ cao hơn nam giới do khoảng cách giữa hậu môn và niệu đạo gần nhau dễ nhiễm vi khuẩn từ hậu môn lây sang.

11. Đau xương chậu có thể do u xơ tử cung

nguyên nhân đau vùng xương chậu

U xơ tử cung là dạng u lành tính (không ung thư) xảy ra ở tử cung. Chúng là những khối u phổ biến nhất (mô tăng phát triển bất thường) trong hệ thống sinh sản phụ nữ. Các triệu chứng của u xơ tử cung có thể bao gồm đau xương chậu, đau khi hành kinh, ra nhiều huyết đặc, đi tiểu thường xuyên, táo bón.

Hiện nay, có nhiều phương pháp đối phó với u xơ tử cung như phẫu thuật cắt bỏ mô cơ, cắt bỏ tử cung, tắc chọn lọc động mạch tử cung… Phẫu thuật cắt bỏ mô bao gồm phẫu thuật cắt bỏ các u xơ. Các biến chứng của u xơ có thể bao gồm thiếu máu thiếu sắt do mất máu nặng hoặc thậm chí vô sinh.

12. Tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) xảy ra vài ngày trước khi có kinh nguyệt và khiến bạn đau vùng xương chậu cũng như gây khó chịu như đau lưng dưới, nhức đầu và ngực mềm…. Việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống (chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng) có thể giúp làm giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt.

Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được tổng hợp trong bài, bạn đã nắm rõ được các nguyên nhân gây đau xương chậu, từ đó có thể phần nào giúp xác định vấn đề mà mình đang gặp phải để chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Khi bị đau xương chậu, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để cải thiện cơn đau. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không cải thiện hay xuất hiện kèm các dấu hiệu như buồn nôn, nôn, sốt, mất ý thức… bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo