Tổn thương trên da rồi sẽ lành. Tuy nhiên, vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn theo thời gian [1]. Hiểu rõ cơ chế hình thành sẹo sẽ giúp bạn xử lý đúng thời điểm và đúng cách, hạn chế nguy cơ để lại sẹo và làm mờ sẹo hiệu quả.
Sẹo được hình thành từ những tổn thương trên da như vết bỏng, phẫu thuật hoặc do các bệnh lý về da như mụn trứng cá [1]. Hình dạng và kích thước của vết sẹo thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, mức độ tổn thương, cách chăm sóc vết thương và xử lý sẹo [2]. Trong đó, việc chăm sóc vết thương đúng cách có thể giúp ngăn ngừa sẹo hiệu quả.
Các giai đoạn làm lành vết thương và cơ chế hình thành sẹo
Quá trình lành thương và cơ thế hình thành sẹo sẽ gồm 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn cầm máu
Giai đoạn cầm máu thường diễn ra chỉ vài giây hoặc vài phút sau khi bạn bị thương. Giai đoạn này giúp hình thành cục máu đông để tránh chảy máu quá mức [4], [5].
Giai đoạn sưng viêm
Ở giai đoạn này, các bạch cầu sẽ di chuyển đến vị trí vết thương. Tại đây, chúng loại bỏ các mảnh vỡ tế bào, vi khuẩn cũng như mầm bệnh ra khỏi cơ thể [4].
Viêm là phản ứng có lợi vì giúp kiểm soát tình trạng chảy máu và ngăn ngừa nhiễm khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kéo dài hoặc phát triển quá mức, phản ứng này có thể gây sưng, phù nề, đau và khiến bạn cảm thấy khó chịu. Không những thế, chúng còn tác động vào quá trình lành thương cũng như cơ chế hình thành sẹo, khiến vết thương chậm lành và tăng nguy cơ tạo sẹo xấu [7].
Giai đoạn tăng sinh
Trong trường hợp này, bạn cần kiểm soát phản ứng viêm, giảm phù nề và tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết thương
Nguyên bào sợi sẽ tăng sinh tại vết thương để sản xuất collagen. Collagen được hình thành giúp kéo miệng vết thương liền lại. Tùy vào cơ địa mỗi người mà quá trình sản xuất collagen diễn ra với mức độ khác nhau. Nếu quá trình này “bị lỗi”, vết thương có thể hình thành sẹo bất thường. Collagen sản xuất không đủ sẽ gây sẹo lõm. Ngược lại, nếu quá nhiều, chúng sẽ tích tụ dày đặc và có thể dẫn đến sẹo lồi, sẹo phì đại [8].
Các mạch máu nhỏ và mao mạch cũng được hình thành để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho quá trình chữa lành vết thương. Nếu không được cung cấp đủ máu, vết thương có thể chậm lành hoặc không lành [6].
Giai đoạn tái tạo
Ở giai đoạn này, phần bề mặt vết thương đã khép miệng, liền da. Tuy nhiên, việc tích tụ mô xơ gây sẹo vẫn liên tục diễn ra và có thể kéo dài đến 2 năm [5].
Hãy xem thêm video dưới đây để cùng PGS.TS.BS. Bùi Hồng Thiên Khanh (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) tìm hiểu sâu hơn về quá trình làm lành vết thương cũng như cơ chế hình thành sẹo.
Giai đoạn nào trị sẹo hiệu quả nhất?
- Giai đoạn sưng viêm: Phản ứng viêm quá mức sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo [6]. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp để kiểm soát tình trạng viêm trong giai đoạn này.
- Thời điểm hình thành mô sẹo: Can thiệp đúng lúc sẽ giúp cân bằng sự sản sinh collagen, giảm nguy cơ hình thành sẹo lồi hoặc sẹo lõm. Ở các bệnh nhân sau phẫu thuật, việc sử dụng corticoid toàn thân có thể làm tăng 2-5 lần tỉ lệ biến chứng của vết thương [13].
Giải pháp xử lý hiệu quả: đúng lúc và đúng cách
Giải pháp hiệu quả nhất vẫn là hạn chế sự hình thành sẹo, sau đó mới đến khắc phục và làm mờ vết sẹo. Dựa trên cơ chế hình thành sẹo, bạn cần có giải pháp xử lý đúng lúc và đúng cách.
- Đúng lúc: Ngay thời điểm sưng nề và hình thành collagen [12].
- Đúng cách: Bạn có thể sử dụng một số phương pháp hoặc sản phẩm giúp tăng tưới máu và cân bằng quá trình sản sinh collagen để hạn chế hình thành sẹo. Thêm vào đó, nếu tình trạng viêm xuất hiện quá mức, bạn nên sử dụng các thuốc kháng viêm, chống phù nề để giúp làm giảm tình trạng này [12]. Một số thuốc thường được sử dụng như thuốc chống phù nề dạng men, NSAIDs và corticoid. Tuy nhiên, các thuốc có thể gây tác dụng phụ, vì vậy bạn cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về quá trình lành thương và cơ chế hình thành sẹo, để từ đó có cách xử lý sẹo hiệu quả. Chăm sóc vết thương đúng cách sẽ giúp bạn xua tan nỗi lo về sẹo.