backup og meta

Ngủ bao nhiêu là đủ? Trẻ em và người lớn khác nhau!

Ngủ bao nhiêu là đủ? Trẻ em và người lớn khác nhau!

Chúng ta thường nghĩ chỉ cần ngủ khoảng 8 tiếng mỗi ngày là đủ, thế nhưng con số này lại không áp dụng cho tất cả mọi người. Thời gian ngủ bao nhiêu là đủ còn phụ thuộc vào độ tuổi của bạn nữa đấy!

Chúng ta đã nghe rất nhiều thông tin về đồng hồ sinh học của cơ thể và những lợi ích tuyệt vời của việc ngủ đủ giấc đối với sức khỏe con người. Đa số mọi người nghĩ rằng ngủ 7–8 giờ là đủ, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Thời gian ngủ bao nhiêu tiếng là đủ của mỗi người còn tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe.

Hãy cùng tìm hiểu xem một ngày cần ngủ mấy tiếng là đủ, nếu bị thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng gì và làm như thế nào để có giấc ngủ ngon ngay sau đây bạn nhé.

Ngủ bao nhiêu là đủ? Thời gian ngủ theo từng độ tuổi

Ngủ bao nhiêu là đủ

Con người chúng ta dành đến 1/3 thời gian trong cuộc đời cho những giấc ngủ. Chất lượng giấc ngủ là chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe và an sinh của một người. Để kiểm tra xem hiện tại mình có ngủ đủ giấc không, bạn có thể tham khảo khuyến nghị từ Tổ chức quốc gia về hỗ trợ giấc ngủ và tự đánh giá.

Tổ chức này đã triệu tập một hội đồng gồm 18 chuyên gia để xem xét một cách có hệ thống các tài liệu khoa học về thời gian ngủ bao nhiêu là đủ và mối quan hệ của giấc ngủ với sức khỏe, hiệu suất và tuổi thọ. Các chuyên gia đã xây dựng một bảng liệt kê về yêu cầu thời gian ngủ cho tất cả các nhóm tuổi kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.

Tuổi tác không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể. Các nhà khoa học đã thiết lập mối liên hệ giữa tuổi tác và số giờ cần thiết cho giấc ngủ ngon như sau:

  • Trẻ em từ 0–3 tháng tuổi: 14–17 giờ
  • Trẻ em từ 4–11 tháng tuổi: 12–15 giờ
  • Trẻ em từ 1–2 tuổi: 11–14 giờ
  • Trẻ em từ 3–5 tuổi: 10–13 giờ
  • Trẻ em từ 6–13 tuổi: 9–11 giờ
  • Trẻ em từ 14–17 tuổi: 8–10 giờ
  • Người ở độ tuổi 18–25: 7–9 giờ
  • Người ở độ tuổi 26–64: 7–9 giờ
  • Người trên 65 tuổi: 7–8 giờ

Khi càng lớn tuổi hơn, nhu cầu về thời gian ngủ để hồi phục giảm đi. Trẻ em từ 0–3 tháng tuổi cần nhiều thời gian để ngủ nhất. Trẻ em dưới 18 tuổi nên ngủ hơn 8 giờ mỗi đêm. Sau độ tuổi này, nhu cầu về thời gian ngủ giảm đi đáng kể và thay đổi một chút khi ở độ tuổi trên 65. Tuy nhiên, ngủ bao nhiêu là đủ cũng cần tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Hậu quả của tình trạng thiếu ngủ

Hậu quả của tình trạng thiếu ngủ

Khi biết về tác hại của việc thiếu ngủ, chúng ta sẽ có động lực để rèn luyện bản thân ngủ đúng giờ và đủ giấc. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, nhiều người mong đợi tới cuối tuần để có thể nghỉ ngơi. Bạn không nên hy sinh thời gian ngủ quý giá để xem một video mới đang “trend” trên Internet.

Việc thiếu ngủ có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do gây nhiều tác động xấu tới sức khỏe của bạn. Tình trạng ngủ không đủ giấc làm suy yếu khả năng miễn dịch và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng sau đây:

  • Kiệt sức
  • Trầm cảm
  • Khiếm thị
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Thay đổi chức năng hormone

Thêm vào đó, giấc ngủ không đảm bảo chất lượng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và ngoại hình. Kết quả có thể dẫn đến tình trạng tăng cân, có quầng thâm hoặc bọng nước mắt, xanh xao và da trở nên xấu đi. Khi bạn thiếu ngủ cũng sẽ dễ bị giảm tập trung, giảm hiệu quả làm việc hàng ngày và gây ra tình trạng lão hóa sớm.

Lợi ích của việc ngủ đủ giấc

Ngủ đủ và chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn hưởng được nhiều lợi ích về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, cụ thể:

  • Tăng cường hệ miễn dịch, ít mắc phải các bệnh vặt
  • Lái xe và di chuyển an toàn hơn
  • Giảm thiểu căng thẳng và các bất ổn về tâm lý
  • Nâng cao năng suất và hiệu quả công việc
  • Duy trì cân nặng , hạn chế yếu tố gây thừa cân, béo phì
  • Cải thiện làn da
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.

7 bí quyết giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn 

Bí quyết giúp bạn có giấc ngủ ngon

Chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ bao nhiêu là đủ là điều cần đặc biệt chú ý. Giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc có thể dẫn tới suy giảm sức khỏe. Hãy áp dụng các bí quyết để có giấc ngủ ngon sau đây nhé.

1. Thiết kế không gian phòng ngủ dễ chịu

Hãy tạo bầu không khí ấm cúng và thoải mái trong phòng ngủ, như chọn một chiếc giường ngủ dễ chịu và thoải mái với tông màu sắc nhẹ nhàng mà bạn yêu thích.

2. Hạn chế uống cà phê, đặc biệt vào buổi tối

Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, bạn nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống cà phê. Đặc biệt là bạn không nên uống cà phê vào khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ trước giờ đi ngủ buổi tối. Trong vòng vài ngày sau khi ngừng uống cà phê, bạn sẽ có thể thấy sự khác biệt rõ rệt và giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

3. Hạn chế uống đồ uống có cồn

Nhiều người gặp khó khăn về giấc ngủ, cụ thể là những người cao tuổi thường dùng một đến hai ly rượu để giúp họ dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, đồ uống có cồn làm thay đổi đặc điểm cũng như chất lượng giấc ngủ. Khi hàm lượng rượu hoặc chất cồn trong cơ thể giảm xuống vài giờ sau đó, bạn sẽ thức dậy và cảm thấy bồi hồi. Điều này làm chúng ta rất khó có thể ngủ ngon trong thời gian còn lại của đêm.

4. Điều chỉnh chế độ ăn và chỉ nên ăn nhẹ

Bạn chỉ nên ăn nhẹ vào buổi tối và nên tránh những thức ăn có thể làm dạ dày khó chịu như đồ ăn cay, mỡ và các món rán. Hãy hạn chế ăn nhiều vào ban đêm và uống các loại đồ uống bổ dưỡng trước khi đi ngủ.

5. Duy trì thói quen ngủ đúng giờ điều độ

Dù là ngày trong tuần hay cuối tuần thì những người dễ bị khó ngủ nên rèn cho bản thân thói quen ngủ điều độ và cố gắng duy trì. Nếu bạn cố gắng dậy đúng giờ vào 6 – 6 giờ 30 sáng thì trong vài ngày, bạn có thể ngủ được vào lúc 22 – 22 giờ 30. Thực hiện cách này có thể thiết lập lại giờ giấc cho giấc ngủ của bạn và giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe.

6. Có thói quen thư giãn trước khi ngủ

Uống trà hoa cúc trước khi ngủ

Bạn cũng nên có thói quen thư giãn 30 phút đến 1 giờ trước khi đi ngủ bằng những cách phù hợp với bạn. Ví dụ như thiền 15 phút, sau đó uống một tách trà hoa cúc. Bạn có thể tắm nước ấm và sau đó nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng. Một số người có thói quen đọc sách 30 phút trước khi đi ngủ. Lưu ý hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại di động, iPad trước khi đi ngủ 30 phút.

Nếu bạn gặp chứng mất ngủ kéo dài, ở bất kỳ độ tuổi nào bạn cũng đều có thể rơi vào trạng thái lo lắng và mệt mỏi. Do đó hãy áp dụng các bí quyết nhằm có thể ngủ đủ giấc và có giấc ngủ chất lượng. Nếu tình hình không được cải thiện thì bạn nên tìm đến những liệu pháp trị liệu giúp dễ ngủ hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nhé.

7. Kiểm tra và điều trị các rối loạn giấc ngủ (nếu có)

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng một người có thời gian ngủ quá dài hoặc quá ngắn và có những điều bất thường xảy ra trong khi ngủ.

Người bị rối loạn giấc ngủ thường gặp những triệu chứng như:

  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Ngưng thở trong khi ngủ
  • Cử động bất thường ở các chi hoặc mộng du.

Rối loạn giấc ngủ thường gây ra những triệu chứng vừa kể trên. Tuy nhiên, loạt triệu chứng này cũng có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, để có chẩn đoán chính xác và biện pháp khắc phục phù hợp, bạn hãy đến bệnh viện chuyên khoa tâm lý – thần kinh để được thăm khám.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ. Thời gian ngủ của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, bạn cần xác định thời gian ngủ của mình để có được chất lượng giấc ngủ tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

An Overview of Insomnia

https://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/insomnia-symptoms-and-causes#1

Ngày truy cập 21.06.2018

Science Explains How Much Sleep We Really Need Depending on Our Age

https://brightside.me/inspiration-health/science-explains-how-much-sleep-we-really-need-depending-on-our-age-528960/

Ngày truy cập 14.06.2018

14 Ways to Improve Your Sleep

https://www.huffingtonpost.com/berkeley-wellness/14-ways-to-improve-your-sleep_b_8692440.html

Ngày truy cập 21.06.2018

How Much Sleep Do You Need?

http://www.berkeleywellness.com/healthy-mind/sleep/article/how-much-sleep-do-you-need/?ap=hpo

Ngày truy cập 21.06.2018

Phiên bản hiện tại

26/04/2023

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

Hiện tượng ngủ không dậy được: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ôm nhau ngủ có thật sự giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 26/04/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo