backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mách bạn 4 mẹo dân gian chữa viêm phổi hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

Mách bạn 4 mẹo dân gian chữa viêm phổi hiệu quả

Hầu hết các trường hợp viêm phổi do virus đều nhẹ và thuyên giảm mà không cần điều trị trong vòng 1 đến 3 tuần. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn thì mới phải nhập viện và dùng thuốc để điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc Tây để điều trị, đa số các trường hợp bệnh nhân sẽ có mong muốn điều trị làm giảm nhẹ triệu chứng bằng các mẹo dân gian chữa viêm phổi. Cùng tìm hiểu cụ thể nhé trong bài viết ngay sau đây nhé!

Triệu chứng viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng khiến cho mô phổi bị sưng lên và viêm, có thể gây ra dịch hoặc mủ trong phổi. Nhiều tác nhân gây viêm phổi, bao gồm: vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các triệu chứng viêm phổi có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Ho khan hoặc ho có đờm
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực khi thở hoặc ho
  • Khó thở, hụt hơi…

4 mẹo dân gian chữa viêm phổi

Các triệu chứng viêm phổi có thể nhẹ nhưng vẫn khiến bệnh nhân mệt mỏi và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là tình trạng ho hay sốt. Để giảm nhẹ các triệu chứng và cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể áp dụng các mẹo dân gian chữa viêm phổi sau đây:

1. Mật ong

mẹo dân gian chữa viêm phổi bằng mật ong

Trong Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình và được quy vào các kinh Tỳ, Phế và Đại trường.

Mật ong có tác dụng bổ tỳ vị, chỉ khát, dưỡng huyết, tăng sinh lực, giúp ăn ngon miệng, thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế,…Loại dược liệu này được dùng để trị các chứng ho mạn tính, ho thông thường, ho ra máu,…đồng thời còn giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe.

Một số mẹo dân gian chữa viêm phổi với mật ong cụ thể như sau:

  • Cách 1: Cho 2 thìa mật ong nguyên chất và 3 thìa nước cốt chanh vào trong cốc nước ấm (khoảng 300ml), khuấy đều để hỗn hợp hòa tan rồi uống. Uống mỗi ngày 1 – 2 ly để tăng cường sức đề kháng.
  • Cách 2: Rửa sạch quả chanh tươi rồi đem đi khía vỏ ngoài theo kiểu múi khế. Sau đó, cho vào trong một chén nhỏ, tiếp tục cho một lượng mật ong nguyên chất vừa đủ để ngấm toàn bộ quả chanh. Ngâm trong khoảng 1 – 2 giờ, sau đó, dùng phần nước cốt để ngậm trị ho.
  • Cách 3:  Pha 1 muỗng cà phê mật ong vào ly nước ấm khoảng 200ml. Khuấy đều để mật ong tan hoàn toàn. Uống nước khi còn ấm trước khi đi ngủ giúp giảm ho về đêm.
Một số đối tượng sau đây không nên dùng mật ong:
  • Người bị dị ứng hay mẫn cảm một số thành phần có trong mật ong
  • Người bị tỳ vị hư hàn (tiêu chảy), thường xuyên bị đầy bụng
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người bị rối loạn tiêu hóa
  • Người vừa mới phẫu thuật
  • Bệnh nhân bị huyết áp thấp hoặc đường máu thấp
  • Đối tượng bị xơ gan
  • Bệnh nhân tiểu đường.

2. Mẹo dân gian chữa viêm phổi cho người lớn với gừng

mẹo dân gian chữa viêm phổi với gừng

Gừng là vị thuốc nổi tiếng trong dân gian với tác dụng chữa nhiều bệnh như đau dạ dày, nôn ói, viêm đường hô hấp, đau nhức xương khớp. Gừng là loại dược liệu có vị cay, tính ấm. Theo sách Trung dược học, gừng quy vào 3 kinh gồm Phế, Tỳ và Vị. Chủ trị: cảm lạnh, ho do lạnh, ho có đờm, viêm phế quản, khàn tiếng, đau họng, viêm họng, buồn nôn, đau dạ dày…

Mẹo dân gian chữa viêm phổi với gừng như sau:

  • Cách 1: Gừng tươi nhánh bằm nhuyễn, hãm với nước sôi cho tiết ra nước vàng. Thêm vào chút đường đen cho dễ uống.
  • Cách 2: Dùng 15g gừng tươi thái lát mỏng, sắc với 400ml nước, đun sôi trong 5 phút. Pha nước thu được với 40ml mật ong. Chia làm 3 lần uống trong ngày để trị ho có đờm.
  • Cách 3: Củ gừng tươi giã nát, bỏ vào ấm hãm với nước sôi trong 15 phút. Vớt bỏ bã, thêm vào chút đường, khuấy đều rồi uống.
  • Cách 4: Dùng 25g gừng tươi băm nhuyễn đem sắc chung với 1 quả lê (thái nhỏ) và 1 chén nước. Đun sôi khoảng 5 phút, lấy nước chia làm 2 lần và uống khi còn ấm. Có thể ăn cả xác lê.
Lưu ý rằng gừng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là khi được sử dụng không đúng cách.

3. Cách trị viêm phổi tại nhà với tỏi

mẹo dân gian chữa viêm phổi với tỏi

Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm và được quy vào một số kinh sau: Tỳ, Vị, Phế và Thận.

Nhờ đó, loại dược liệu có các tác dụng:

  • Giải độc
  • Sát trùng
  • Làm ấm tỳ vị
  • Hành khí trệ
  • Chữa đầy bụng
  • Chữa rối loạn tiêu hóa
  • Điều trị rắn cắn
  • Điều trị phù thũng
  • Chữa tiêu chảy
  • Chữa kiết lỵ
  • Chữa chứng khó tiêu
  • Chữa ho gà
  • Chữa sốt rét.
  • Mẹo dân gian chữa viêm phổi với tỏi như sau:

    • Nước đường nấu gừng tỏi: Chuẩn bị đường nâu hoặc đường phèn, 3 tép tỏi và 1 nhánh gừng. Sau đó, đun đường với gừng rồi cho thêm tỏi vào đun thêm chừng 10 phút. Dung dịch thu được chia làm nhiều lần, uống hết trong ngày. Tác dụng: trị ho khan, tiêu đờm, sổ mũi, viêm họng.
    • Nước tỏi hấp: Chuẩn bị 3 tép tỏi và 1 viên đường phèn. Sau đó, đập dập tỏi, cho vào bát, đổ nước chừng nửa bát, cho thêm đường phèn rồi hấp cách thủy trong 15 phút. Chia làm 2-3 lần uống hết trong ngày. Tác dụng trị ho, cảm lạnh, tốt cho phổi.
    Một số đối tượng không nên dùng tỏi:
    • Người bị tiêu chảy
    • Người bệnh gan
    • Người đang dùng thuốc chống đông máu, điều trị HIV/AIDS,…
    • Người có thể trạng suy yếu
    • Người có thị lực yếu, mắc các bệnh về mắt,…

    4. Uống lá cây gì tốt cho phổi? Lá húng quế

    mẹo dân gian chữa viêm phổi với lá húng quế

    Theo Đông y, húng quế có vị cay, mùi thơm và tính ấm, quy vào 2 kinh là Phế và Tâm.

    Loại dược liệu này có công dụng: tán máu ứ, làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm đau. Chủ trị: ho, viêm họng, khàn tiếng, đau nhức răng, dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, bồn chồn, lo lắng…

    • Cách 1: Chuẩn bị 20g lá húng quế đem giã dập rồi hãm với khoảng 10ml nước sôi. Sau đó, cho thêm 20g đường phèn vào và gạn lấy nước để uống 2 lần/ngày. Công dụng: chữa ho nhiệt, khản tiếng, viêm họng.
    • Cách 2: Chuẩn bị 1 nắm húng quế, 1 thìa gừng cùng 3 thìa cà phê mật ong. Húng quế đem xay nhuyễn rồi cho gừng đã đập nhỏ cùng mật ong vào trộn đều, thêm 1 thìa nước lọc. Gạn bỏ bã lấy nước uống 3 lần/ngày.
    Hãy lưu ý khi dùng húng quế cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh máu khó đông hay bệnh nhân bị hạ đường huyết. Khi dùng cho trẻ em cần dùng với liều thấp và theo dõi sát trong suốt quá trình điều trị.

    Những lưu ý khi áp dụng mẹo dân gian chữa viêm phổi

    Các mẹo dân gian chữa viêm phổi mặc dù đã được áp dụng rộng rãi trong dân gian từ lâu đời nhưng một số chưa được các nghiên cứu hiện đại chứng minh về tính hiệu quả, cũng như độ an toàn. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng nhằm đảm bảo bài thuốc thực sự an toàn và cho hiệu quả như mong muốn.

    Bạn cũng nên lưu ý rằng các mẹo dân gian được đề cập ở trên không giúp chữa hết bệnh viêm phổi mà chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như ho, sốt,…

    Dùng các loại dược liệu trong dân gian không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, bạn nên tuân thủ đúng theo liều lượng được khuyến cáo. Tránh lạm dụng quá mức. Trong quá trình áp dụng, nếu gặp các dấu hiệu bất thường hay phản ứng nghiêm trọng, hãy tạm ngưng và gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn khó thở, đau ngực, sốt cao dai dẳng từ 39 độ C trở lên hoặc ho dai dẳng trên 3 tuần, đặc biệt nếu ho ra mủ.

    Điều đặc biệt quan trọng là những người thuộc nhóm nguy cơ cao sau đây phải đi khám bác sĩ khi có triệu chứng viêm phổi:

    • Người lớn trên 65 tuổi
    • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
    • Những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu
    • Những người đang điều trị bằng hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

    Đối với một số người lớn tuổi và những người bị suy tim hoặc các vấn đề về phổi mạn tính, viêm phổi có thể nhanh chóng trở thành một tình trạng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

    Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích và mách nhỏ cho bạn các mẹo dân gian chữa viêm phổi đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. Viêm phổi là một căn bệnh thường gặp, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể chuyển biến nặng tùy vào độ tuổi và tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà hãy thăm khám với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh. Cùng tham gia cộng đồng của Hello Bacsi để tìm hiểu và chia sẻ với nhau những thông tin hữu ích nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

    ad iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    ad iconQuảng cáo
    ad iconQuảng cáo