backup og meta

Có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh? Lời khuyên bạn nên tham khảo

Có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh? Lời khuyên bạn nên tham khảo

Hầu hết các mẹ đều đeo bao tay cho trẻ sơ sinh nhằm mục đích giữ ấm và hạn chế trẻ tự cào tay lên mặt gây trầy xước khi móng tay dài. Điều này tuy không hoàn toàn sai nhưng thực chất thì việc đeo bao tay cho em bé vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Điển hình nhất là tình trạng chỉ, sợi len hoặc tóc ở trong bao tay quấn chặt vào ngón tay của trẻ và gây hoại tử trong một số trường hợp. Điều này cũng có thể xảy ra tương tự khi đeo bao chân cho trẻ. Vậy đáp án nào đúng cho câu hỏi có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh không?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết về thắc mắc này và chia sẻ những lời khuyên về an toàn khi mẹ đeo bao tay hoặc bao chân cho trẻ sơ sinh.

Có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh?

“Đối với vấn đề có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh?” thì không có nghiên cứu khoa học nào đưa ra kết luận cụ thể và rõ ràng. Bao tay, bao chân tuy có tác dụng giữ ấm nhưng thực chất vẫn là “con dao hai lưỡi” với trẻ sơ sinh. Từ thực tế cho thấy một số trường hợp trẻ đeo bao tay vẫn có thể gặp rủi ro và bất lợi trong quá trình phát triển.

Tổn thương ngón tay từ việc đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

Một số bệnh viện đã đưa tin về những ca cấp cứu của trẻ sơ sinh liên quan đến việc ba mẹ cho con đeo bao tay, bao chân. Đây là những trường hợp đáng tiếc, xảy ra do trẻ bị sợi chỉ, sợi len hoặc tóc có trong bao tay quấn vào ngón tay, ngón chân của bé. Trẻ càng cử động nhiều thì sợi chỉ càng siết chặt, ngăn chặn lưu thông máu và dẫn đến hoại tử. Nếu phát hiện quá trễ, hậu quả nghiêm trọng nhất là trẻ buộc phải tháo khớp đốt ngón tay.

có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

Trong y học, tình trạng này gọi là hội chứng Ga-rô tóc (Hair tourniquet) và thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Các bác sĩ cho biết ngón tay, ngón chân của trẻ sơ sinh rất nhỏ và mềm, mạch máu nuôi các ngón còn nhỏ hơn. Do vậy, bất cứ vật gì chẹn lấy hoặc tì đè ngón tay, ngón chân của trẻ quá lâu thì sẽ ngăn chặn lưu thông máu và dễ dẫn đến hoại tử hơn so với người lớn.

Thông thường, ba mẹ rất ít khi để ý đến sợi chỉ hoặc sợi tóc có trong bao tay hoặc bao chân. Nếu không kiểm tra thường xuyên thì trẻ rất dễ gặp rủi ro và dẫn đến những tổn thương đáng tiếc. Vì vậy, đối với vấn đề có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh không? Câu trả lời là có thể nhưng bạn không nên quá lạm dụng và chủ quan khi cho trẻ đeo bao tay hoặc bao chân.

Có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh? Đeo bao tay cản trở bé phát triển kỹ năng hoạt động ngón tay

Trẻ sơ sinh chưa thể cầm nắm đồ vật nhưng việc trẻ mút tay, chạm hoặc bấu víu vào cơ thể chính là bản năng hoạt động các ngón tay. Do đó, đối với câu hỏi có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh không? Ngoài vấn đề gây ra nguy cơ vô tình làm tổn thương ngón tay của trẻ, các bác sĩ còn cho rằng việc trẻ sơ sinh đeo bao tay là có hại cho sự phát triển kỹ năng cầm nắm của bé.

Có thể nói, so với những trẻ sơ sinh đeo bao tay trong thời gian dài, trẻ ít đeo bao tay thường có khả năng nắm giữ, túm các vật xung quanh và có phản xạ tay tốt hơn. Thêm vào đó, cảm giác mát lạnh ở tứ chi thường không làm cho trẻ sơ sinh khó chịu như nhiều ba mẹ nghĩ.

Ngược lại, việc đeo bao tay mới là điều khiến trẻ bí bách, khó vận động hơn và cản trở kỹ năng hoạt động ngón tay. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên hạn chế cho con đeo bao tay để trẻ thoải mái khám phá xung quanh. Từ đó trẻ có thể phát triển xúc giác và kỹ năng cầm nắm một cách tự nhiên.

Mẹ nên lưu ý gì khi đeo bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh?

có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

Đeo bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh có thể cần thiết khi thời tiết quá lạnh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về an toàn cho trẻ. Sau đây là những lời khuyên hữu ích mẹ cần “nằm lòng”:

  • Làn da của trẻ sơ sinh thường non mềm và nhạy cảm. Do đó, mẹ nên ưu tiên chọn bao tay cho trẻ có chất liệu mềm và thoáng mát để trẻ không cảm thấy bí nóng, khó chịu khi đeo.
  • Luôn giặt bao tay trẻ sơ sinh sạch sẽ trước khi cho con dùng. 
  • Mẹ nên cắt hết chỉ thừa nếu có hoặc cách tốt hơn là lộn mặt trong bao tay ra ngoài rồi mới cho trẻ đeo. Điều này nhằm tránh tình trạng có sợi chỉ trong bao tay quấn vào ngón tay trẻ hoặc tránh để đường may tổn thương làn da của bé.
  • Hiện tượng ga-rô tóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, mẹ nên thường xuyên kiểm tra tay, chân của con khi trẻ đeo bao để chắc chắn rằng ngón tay ngón chân của trẻ không gặp vấn đề gì.
  • Nếu trẻ khóc, bỏ bú đột ngột bạn cũng nên kiểm tra toàn thân của con, bao gồm cả ngón tay ngón chân. Nếu phát hiện có ngón tay/ chân của trẻ bị sưng, bầm tím thì cần nhanh chóng cho con nhập viện để được bác sĩ xử lý kịp thời.

Nhìn chung, câu trả lời cho vấn đề có nên đeo bao tay cho trẻ sơ sinh không đó là điều này thường không quá cần thiết. Để giữ ấm cho con, mẹ có thể chọn giải pháp khác, chẳng hạn như cho bé quấn khăn, dùng túi ngủ cho trẻ hoặc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa mát mẻ vừa đủ. Ngoài ra, nếu lo lắng móng tay của trẻ tự cào xước mặt thì mẹ nên thường xuyên cắt móng tay cho bé thay vì cho con đeo bao tay. Điều này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các ngón tay của trẻ phát triển khả năng cầm nắm và tiếp xúc.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How long is it appropriate to keep hand mittens on a newborn baby?

https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/ask-the-pediatrician/Pages/How-long-is-it-appropriate-to-keep-hand-mittens-on-newborn-baby.aspx Truy cập ngày 01/06/2022

Toe-tourniquet syndrome: A rare potentially devastating entity

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5393137/ Truy cập ngày 01/06/2022

“Vệ sĩ” bao tay thành thủ phạm

https://nld.com.vn/suc-khoe/ve-si-bao-tay-thanh-thu-pham-229439.htm Truy cập ngày 01/06/2022

Hoại tử đầu ngón tay do bao tay ở trẻ sơ sinh

http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/1449/hoai-tu-dau-ngon-tay-do-bao-tay-o-tre-so-sinh.html Truy cập ngày 01/06/2022

Chú ý bao tay kẻo hoại tử tay bé

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/5091-chu-y-bao-tay-keo-hoai-tu-tay-be.html Truy cập ngày 01/06/2022

Phiên bản hiện tại

17/06/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo