backup og meta

Chi tiết cách thực hiện phương pháp luyện ngủ không nước mắt

Chi tiết cách thực hiện phương pháp luyện ngủ không nước mắt

Việc luyện ngủ cho bé có thể là cuộc chiến đẫm nước mắt, lấy đi của cha mẹ rất nhiều thời gian và sức lực. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với tình cảnh này, phương pháp luyện ngủ không nước mắt cho bé có thể là điều bạn đang tìm kiếm. 

Phương pháp luyện ngủ không nước mắt là phương pháp đã được nhiều bố mẹ áp dụng để giúp trẻ tự ngủ thành công. Bạn đang muốn luyện ngủ cho bé và cũng muốn thử phương pháp này? Dành ngay vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi về trình tự các bước cần thực hiện để áp dụng thành công phương pháp luyện ngủ không nước mắt cho con nhé! 

Phương pháp luyện ngủ không nước mắt là gì? 

Phương pháp luyện ngủ không nước mắt (No Cry – No Tear) là phương pháp luyện ngủ mà khi bé buồn ngủ, bố mẹ sẽ ôm ấp, vỗ về xoa dịu và ở bên cạnh trấn an bé thay vì để bé khóc. Khi bé đã ngủ, bố mẹ sẽ rời khỏi phòng. Nếu bé thức giấc lúc nửa đêm, bố mẹ vẫn tiếp tục, ôm ấp, vỗ về và để con tự ngủ lại. 

Nhìn chung, nguyên tắc của phương pháp luyện ngủ này là ba mẹ sẽ để con tự ngủ nhưng sẽ không để bé khóc liên tục, trong thời gian dài. Do đó, dù có tên gọi là “không nước mắt” nhưng thực tế, khi thực hiện vẫn sẽ có nước mắt, thậm chí là rất nhiều nước mắt. 

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Không những vậy, giờ đi ngủ cũng là thời điểm tốt nhất để xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và bé. Với phương pháp luyện ngủ không nước mắt này, trẻ không những có thể tự ngủ mà còn không bị “ác cảm” với giấc ngủ.  

Chi tiết cách thực hiện phương pháp luyện ngủ không nước mắt 

phương pháp luyện ngủ không nước mắt 

Để luyện ngủ cho bé bằng phương pháp luyện ngủ không nước mắt, bạn có thể thực hiện theo các bước sau: 

Bước 1: Tập cho bé đi ngủ không cần mút ti (ti giả, ti mẹ hoặc ti bình) 

  • Cho bé bú no trong 1 lần hoặc cho bé bú theo cữ. Giãn dần khoảng cách giữa các cữ bú đêm 
  • Có thể cho bé mút ti đến khi bé buồn ngủ nhưng không để bé mút khi ngủ hẳn. 

Bước 2: Duy trì lịch sinh hoạt theo trình tự ổn định (giấc ngày và giấc đêm) 

  • Cho bé ngủ ngày đủ, không ngủ ngày quá muộn 
  • Giảm thiểu các kích thích, hoạt động mạnh, sôi động trước khi đi ngủ 
  • Nhận biết các dấu hiệu buồn ngủ của bé như dụi mắt, chớp mắt, không tập trung, uể oải, khóc… 

Bước 3: Để bé thoải mái trước khi đi ngủ 

  • Cho bé ngủ ở nôi, cũi 
  • Thay bỉm sạch sẽ 
  • Phòng ngủ tối, yên tĩnh, thoáng mát. 

Bước 4: Thời gian đi ngủ 

  • Đặt bé vào giường khi bé có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn còn thức 
  • Nếu bé buồn ngủ muộn (sau 9 giờ), hãy dịch chuyển giờ ngủ từ từ, sớm hơn mỗi ngày 5 phút. 

Bước 5: Duy trì các thói quen ngủ tốt 

  • Đắp chăn hoặc quấn cho bé bằng khăn quấn.
  • Với bé trên 6 tháng, bạn có thể cho bé ôm 1 vật trấn an an toàn, mềm mại như gối mền hoặc gấu bông để dễ ngủ.
  • Tạo ra từ khóa báo hiệu cho bé biết đã đến giờ đi ngủ như “ngủ đi con”, “đến giờ ngủ rồi”… hoặc 1 điệu hát ru (chọn bài ngắn, lặp đi lặp lại). Có thể kết hợp với tiếng ồn trắng, âm thanh của thiên nhiên như tiếng nước chảy, mưa rươi… hoặc nhạc nhẹ.
  • Nói từ đó khi bé nằm yên ổn, thư giãn và thực sự buồn ngủ trong vài tuần đầu tiên, không dùng khi bé đang khóc hoặc khi đang quấy gắt.
  • Khi bé đã quen, bạn có thể dùng các từ khóa này để trấn an vào giờ ngủ hoặc khi bé tỉnh dậy giữa chừng 

Bước 6: Xử lý khi bé khóc 

  • Bế bé dậy khi bé bắt đầu khóc, vỗ về nhẹ nhàng, khi bé ngưng khóc thì đặt xuống 
  • Khi đặt xuống, giữ cho tay vòng quanh người bé trong vài phút. Khi bé đã nằm yên, nhẹ nhàng trượt tay ra khỏi lưng bé.  
  • Nếu bé vẫn khó chịu, lại đặt tay vòng quanh người bé, thì thầm từ khóa, rồi đu đưa, vỗ lưng hoặc chạm nhẹ cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. 
  • Nếu bé khó chịu hơn hoặc khóc, bạn hãy bế bé lên và đu đưa cho đến khi bé bình tĩnh lại rồi lặp lại việc vòng tay, vỗi nhẹ và thì thầm từ khóa.
  • Lặp đi lặp lại cho đến khi bé tự ngủ được.
  • Tuyệt đối không trả lời bất cứ tiếng động nào từ bé, kể cả việc đòi bú, chỉ thì thầm từ khóa.
  • Nếu bé khóc quá nhiều hoặc quá giờ đi ngủ quá lâu, hãy cho bé đi ngủ theo cách bình thường và thử lại vào hôm sau.  

Bước 7: Khi bé đã quen… 

  • Khi đặt bé xuống, nếu bé khó chịu, cố gắng không bế bé lên mà chỉ vòng tay quanh người, vỗ nhẹ và thì thầm từ khóa.
  • Nếu bé tỉnh và khóc, làm lại từ đầu nhưng không bế bé lên.
  • Khi bé đã không cần bế lên sau khi đặt vào giường, bạn hãy chuyển sang đứng cạnh cũi khi đặt bé xuống. Nếu bé khó chịu, thì thầm từ khóa hoặc chạm nhẹ, nhưng không vòng tay ôm bé. 
  • Tiếp tục giảm dần sự trợ giúp khi bé đã quen. Bạn có thể từ từ đứng cách cũi bé một khoảng, sử dụng từ khóa, giãn dần khoảng cách đến tận cửa phòng, ngoài phòng nơi bé không nhìn thấy và nói từ khóa.
  • Nếu bé khóc, mẹ hãy trấn an bé nhưng hãy làm thật nhanh và dứt khoát. 

Bí quyết “vàng” giúp mẹ luyện ngủ thành công cho bé 

phương pháp luyện ngủ không nước mắt

Ngoài việc thực hiện luyện ngủ theo các bước trên, để áp dụng phương pháp luyện ngủ không nước mắt thành công, mẹ cần “bỏ túi” một số bí quyết sau: 

  • Thực hiện nhất quán, đúng theo mục tiêu, kế hoạch và lịch trình sinh hoạt đã đề ra. Quan trọng nhất là cần kiên nhẫn bởi dù luyện ngủ cho bé theo phương pháp nào thì cũng không hề dễ dàng.  
  • Thay đổi từ từ và chậm rãi: Chẳng hạn, nếu bé buồn ngủ muộn, hãy điều chỉnh giờ đi ngủ từ từ, mỗi ngày sớm hơn 5 phút.  
  • Thiết lập một lịch trình ngủ trưa thường xuyên: Một thói quen ngủ phù hợp vào ban ngày giúp điều chỉnh giấc ngủ vào ban đêm.
  • Thực hiện các thói quen đi ngủ theo đúng 1 quy trình: Bạn có thể bắt đầu với xoa bóp cho trẻ, hát ru và đặt trẻ vào giường.
  • Thiết lập môi trường ngủ thoải mái, mát mẻ, không có tiếng ồn.
  • Hiểu rõ các dấu hiệu buồn ngủ của bé để cho bé đi ngủ đúng thời điểm.

Phương pháp luyện ngủ không nước mắt liệu có tốt?  

Không có phương pháp luyện ngủ nào là hiệu quả với mọi trẻ em, thậm chí là với một trẻ ở mọi thời điểm. Do đó, bố mẹ cần linh hoạt và thay đổi khi cần để việc tập cho bé tự ngủ diễn ra dễ dàng và hiệu quả.  

Phương pháp luyện ngủ không nước mắt dù được đánh giá là nhẹ nhàng, thoải mái nhưng thực tế, vẫn còn tồn đọng những ưu và khuyết điểm nhất định mà bạn cần biết trước khi áp dụng:   

Ưu điểm: 

  • Phương pháp luyện ngủ nhẹ nhàng 
  • Tạo cho bé cảm giác vui vẻ, tích cực về giấc ngủ 
  • Thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và bé. 

Khuyết điểm:  

  • Bạn phải quan sát bé thường xuyên nên giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng 
  • Bé có thể dựa dẫm, lệ thuộc vào bạn nhiều hơn 
  • Có thể mất nhiều thời gian để đạt hiệu quả.  

Hy vọng với những gì được chia sẻ trong bài, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích xoay quanh phương pháp luyện ngủ không nước mắt để có thể áp dụng trong việc chăm sóc bé cưng.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sleep Training Truths: What Science Can (And Can’t) Tell Us About Crying It Out https://www.npr.org/sections/health-shots/2910/07/15/730339536/sleep-training-truths-what-science-can-and-cant-tell-us-about-crying-it-out Ngày truy cập: 3/8/2021 

Sleep Training https://www.sleepfoundation.org/baby-sleep/sleep-training Ngày truy cập: 3/8/2021 

Sleep Training Truths: What Science Can (And Can’t) Tell Us About Crying It Out https://www.npr.org/sections/health-shots/2910/07/15/730339536/sleep-training-truths-what-science-can-and-cant-tell-us-about-crying-it-out  Ngày truy cập: 3/8/2021 

No-Cry (No-Tears) Sleep Training Method for Babies https://parenting.firstcry.com/articles/no-cry-no-tears-sleep-training-method-for-babies/ Ngày truy cập: 3/8/2021 

Baby sleep training: No tears methods https://www.babycenter.com/baby/sleep/baby-sleep-training-no-tears-methods_1497581 Ngày truy cập: 3/8/2021 

NO CRY SLEEP TRAINING (METHOD THAT WORKS) HTTPS://WWW.LAVENDERANDMACARONS.COM/NO-CRY-SLEEP-TRAINING-FOR-BABIES/ Ngày truy cập: 3/8/2021 

Phiên bản hiện tại

29/05/2023

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 29/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo